Nghề thám tử tư đã xuất hiện ở Việt Nam khoảng thời gian gần đây. Mặc dù không được sự thừa nhận hợp pháp nhưng không thể phủ nhận rằng nghề này vẫn đang tồn tại và phát triển cùng với sự đổi thay của xã hội Việt Nam hiện đại.
Một trong những áp lực phải kể đến đó là tính hợp pháp của nghề nghiệp. Ở nhiều nước, nghề thám tử tư được thừa nhận. Thế nhưng ở Việt Nam, điều này vẫn chưa được thực hiện. Do đó, làm công việc nhạy cảm với pháp luật khiến cho các thám tử phải gặp nhiều phen lao đao. Như chuyện có lần, đối tượng điều tra của một vụ ngoại tình của anh H công tác bên lĩnh vực pháp luật. Khi bị phát hiện, đối tượng đã tống tiền ngược lại anh. Anh chàng này đã thu giữ phương tiện hành nghề của anh cùng một số tiền. Điều duy nhất anh H có thể làm là “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho qua chuyện.
Áp lực tiếp theo đến từ phía khách hàng. Đêm này qua đêm kia, anh H hầu như chẳng được trọn giấc. Những cuộc gọi nửa đêm dựng anh dậy vì có những khách hàng với tâm trạng bất an đang cần anh. Có những trường hợp anh chỉ cần tư vấn và an ủi khách hàng nhưng cũng có khi, giữa đêm đen, anh lao ra đường trong bộ dạng ngái ngủ. “Làm nghề này là xác định không được ngủ tròn giấc rồi em à.” – Anh tâm sự. Cũng có những khách hàng, vì những nghi ngờ loáng thoáng của mình đặt thám tử vào thế không có gì làm bằng chứng hơn những nghi ngờ vô căn cứ. Theo như anh H, thám tử là một người cần hết sức nhạy cảm. Nhạy cảm với công việc, với chứng cứ, với những phán đoán và cũng phải hết sức nhạy cảm với tâm lý của khách hàng.
Một áp lực nữa không kém, đó áp lực từ chính lương tâm nghề nghiệp của người thám tử. Đa số những vụ việc điều tra xung quanh chuyện ngoài vợ ngoài chồng của khách hàng. Và nguyên nhân cho những ông chồng lăng nhăng là những cô gái xinh đẹp, tuổi đôi mươi và hám tiền. Một trong những phương pháp giải quyết tình huống này đó là người thám tử phải đóng một vai sở khanh hào hoa dụ dỗ những cô gái kia để họ buông tha cho đối tượng. Sau những vụ việc này, người thám tử luôn phải bâng khuâng cho tính “sở khanh giả vờ” bằng mọi giá phải thực hiện yêu cầu của khách hàng. “Nhưng nói cho cùng, nếu mình không làm thì các cô gái kia lại tiếp tục phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác”-anh H trầm ngâm khi nói câu nói đó.
Cuối cùng, áp lực tiếp theo mà người thám tử tư phải gánh chịu là từ phía gia đình. Đối với những người chưa lập thân, chuyện đi ngày rồi đi cả đêm là một chuyện dễ dàng. Nhưng đối với những người đã có gia đình, việc dành quá nhiều thời gian cho công việc, đặc biệt là vào những giờ nhạy cảm chính là nguyên nhân người thám tử không thể qua tâm đầy đủ đến gia đình mình. Những người vợ, người chồng của thám tử cũng như những người vợ người chồng bình thường, họ cần yêu thương và quan tâm, họ cũng biết ghen tuông giận dỗi. Chính vì thế, áp lực này chính là thứ áp lực đáng sợ nhất đối với một thám tử khi hành nghề.